Tất thảy về độ chống chịu nước của đồng hồ
Độ chống chịu nước của đồng hồ là một yếu tố không thể thiếu trên đồng hồ. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ những kí hiệu này.
Xuất hiện với nhiều diện mạo khác nhau, độ chống chịu nước của đồng hồ là gương mặt không thể thiếu vắng trên một mẫu đồng hồ.
Một kí hiệu nhỏ bé ẩn chứa sức mạnh về sự sinh tồn, chi phối hành vi của người sử dụng. Liệu bạn có thực sự cắt nghĩa được rõ ràng về mức độ chịu nước của chiếc đồng hồ trên tay?
Hãy cùng nhau giải mã điều thú vị xoay quanh những kí hiệu nhỏ bé này.
Độ chịu nước của đồng hồ được xác định như thế nào?
Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa ISO đã xây dựng tiêu chuẩn ISO 2281 về độ kháng nước cho những mẫu đồng hồ thông thường và tiêu chuẩn ISO 6425 dành riêng cho những đồng hồ lặn.
Các tiêu chuẩn ISO quy định một thủ tục kiểm tra chi tiết của từng nhãn hiệu, xác định độ chịu nước dựa trên áp lực, thời gian thử nghiệm, nhiệt độ nước, và các thông số khác với nhiều bài kiểm tra nghiêm ngặt được thực hiện ở nhiệt độ 18-25 độ C.
Các thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ, Nhật Bản, đặc biệt là các hãng đồng hồ cao cấp luôn tuyệt đối tuân thủ vấn đề này. Mỗi chiếc đồng hồ của họ đều phải trải qua những cuộc kiểm nghiệm về khả năng kháng nước để có những số hiệu được in trên mặt số. Vì vậy, độ kháng nước từ những thương hiệu nổi tiếng luôn đáng tin cậy và chính xác hơn những con số in vội trên đồng hồ fake.
Ý nghĩa của ATM/ BAR/ M?
Dễ dàng bắt gặp một trong những kí hiệu này trên mặt số. Đây chính là kí hiệu để thể hiện độ chịu nước của đồng hồ. Vậy chúng có gì giống và khác nhau?
1ATM ~ 1 Bar ~ 10M
Bar hay ATM là đại lượng biểu thị áp suất, thu hẹp nội dung trong bài viết này có nghĩa là áp lực của nước tác động lên đồng hồ. 1 Bar tương đương với 1 ATM và tương đương với áp lực tác động lên đồng hồ ở độ sâu 10m trong điều kiện môi trường tĩnh.
Cấp độ kháng nước được thể hiện bằng M(mét) chỉ là lý thuyết. Nó đề cập đến việc đồng hồ có thể kháng nước ở độ sâu đó trong phạm vi thời gian nhất định, khi nước và đồng hồ cùng ở trạng thái bất động. Song trong thực tế thì môi trường này khó tồn tại.
Sự chuyển động của cánh tay sẽ làm gia tăng đáng kể áp lực trực tiếp từ môi trường lên đồng hồ. Vì vậy, đồng hồ có độ chống nước 50M không đồng nghĩa với việc an toàn khi ở độ sâu 50 mét so với mặt nước. 50M chỉ là con số tính toán trong phòng thí nghiệm mà thôi.
➣➣ Xem ngay: Thử sức chịu đựng độ kháng nước của đồng hồ
Hãy cùng giải mã độ chịu nước thường gặp trên đồng hồ:
Water resistant 3 atm/ 3 Bar/ 30M:
Độ kháng nước nhẹ chỉ chịu được nước khi rửa tay, mưa nhỏ.
Water resistant 5 atm/ 5 Bar/ 50M:
Có thể bơi nông, chèo thuyền vượt thác mà không vấn đề gì.
Water resistant 10 atm/ 10 Bar/ 100M:
Đây là độ kháng nước tương đối. Việc bơi lội không gặp trở ngại. Hoạt động thể thao như: chèo thuyền, lướt sóng tiêu khiển đều ổn. Tuy nhiên, nó vẫn chưa phải mức đủ điều kiện để lặn biển.
Water resistant 20 atm/ 20 Bar/ 200M:
Phù hợp với các môn thể thao mạo hiểm mặt nước, lặn trần với kính bảo hộ, chân vịt, bình dưỡng.
Diver’s 100 M:
Chuẩn theo ISO 6425. Có thể lặn với khí tài ở độ sâu 100M.
Diver’s 200 M or 300 M:
Đây chính là độ kháng nước của đồng hồ lặn điển hình. Hoàn toàn lặn được với khí tài ở độ sâu 200m hoặc 300m, nhưng không thể lặn khí bão hòa.
Một điều bạn cũng cần nhớ, đó là 200M ở đồng hồ lặn không giống với 200M ở đồng hồ thông thường. Nó ưu việt hơn, kháng nước tốt hơn do đặc thù công việc của mình.
Khả năng kháng nước không phải là vĩnh viễn
Sẽ là sai lầm nếu mặc định độ chống chịu nước của đồng hồ cứ mãi như vậy. Bởi thử nghiệm về độ chịu nước ban đầu ràng buộc trong điều kiện nước tĩnh, ở nhiệt độ 18-25 độ C.
Nhưng thực tế ngoài đời đâu vậy. Những thay đổi nhiệt độ đột ngột, sự chuyển động của nước hay cả những va đập… Mọi thứ đều tác động và ảnh hưởng đến gioăng thấm nước, những chất bít kín trên vỏ đồng hồ bị ăn mòn, hoặc biến đổi khiến khả năng cản nước của chúng dần suy yếu. Chính vì vậy, độ chống chịu nước của đồng hồ chỉ giới hạn trong một chừng mực. Qua dòng đời, qua cách bạn sử dụng, nó sẽ giảm một cách tự nhiên.
Các nhà sản xuất nói gì về độ kháng nước của đồng hồ?
Mặc dù đồng hồ có khả năng kháng nước nhưng điều đó không có nghĩa chúng cần được thử thách. Nhiệt độ cao có thể gây giãn nở kim loại với tốc độ khác so với các miếng đệm cao su. Từ đó tạo ra các khe hở để nước dễ dàng len lỏi vào. Vì vậy, các nhà sản xuất khuyến cáo người dùng tuyệt đối không để đồng hồ trong phòng tắm hơi, dưới một vòi sen nước nóng.
Một số hóa chất có thể gây biến dạng và ăn mòn các miếng đệm như nước hoa, các sản phẩm tạo kiểu tóc, nước clo,… nên tránh để tiếp xúc với đồng hồ.
Tuyệt đối không được bơi và lặn với những chiếc đồng hồ không có núm vặn ren. Đặc biệt, tránh kéo đẩy núm chỉnh giờ khi đồng hồ vẫn đang ướt hoặc ngâm trong nước. Điều đó sẽ khiến nước vào gây hiện tượng ngưng tụ hơi trên mặt số.
Rửa sạch đồng hồ bằng nước ngọt ngay sau khi bơi lội hoặc lặn trong nước biển. Vặn vòng benzel vài lần rồi rửa để ngăn chặn việc muối tích tụ và ăn mòn vành benzel.
Đó là tất cả câu chuyện về độ chống chịu nước của đồng hồ chúng tôi muốn gửi đến quý vị. Hy vọng bạn có thể thấu hiểu hơn được phần nào về những kí hiệu kháng nước trên đồng hồ. Hãy sử dụng chiếc đồng hồ của mình bằng thái độ nâng niu, trân trọng!
►► Chủ đề liên quan: Hướng dẫn cách vệ sinh đồng hồ đeo tay